Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ

 

 

 

    Tác giả: Vũ Duy Mền

   Nhà xuất bản: Khoa học Xã hội

   Năm xuất bản: 2018

   Địa chỉ tài liệu: DSVLSN 001644 - Phòng đọc 2 - Giá 01. 

Có thể khẳng định hương ước, đặc biệt là hương ước cổ đã góp phần không nhỏ tạo nên sức sống trường tồn và đặc trưng của làng xã. Cuốn sách “Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ” nghiên cứu chuyên sâu một cách hệ thống về hương ước cổ - phần lệ làng thành văn của làng xã đồng bằng Bắc Bộ.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đem đến cho bạn đọc cách hiểu về thuật ngữ “khoán ước” và “hương ước”, quá trình xuất hiện của hai thuật ngữ, so sánh đặc điểm giống và khác nhau giữa chúng, giới thiệu hình thức văn bản hương ước, nguồn gốc và điều kiện ra đời của hương ước ở đồng bằng Bắc Bộ.

Nhìn chung nội dung của các bản hương ước tương đối giống nhau, song mỗi làng xã cũng có những nét khác biệt, phản ánh những tập tục, sinh hoạt riêng của từng làng. Hương ước làng xã ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đề cập đến quy ước về tổ chức hành chính: tiêu chuẩn của việc bầu Hương trưởng, Lý trưởng; tổ chức xã hội ở làng xã: Giáp (phe), các hội Tư văn, Tư võ, tộc (họ)…; quy ước về hoạt động văn hoá – xã hội (các việc trong làng): đóng thuế, đi lính, phu dịch, cưới cheo, tang ma, hương ẩm và vị thứ đình trung, lệ khao vọng và mừng thành quan lên lão, việc tuần phòng ngăn ngừa trộm cắp… Tác giả đã phác họa chân thực bức tranh làng xã Việt Nam nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng thông qua việc phân tích và hệ thống hoá nhiều bản hương ước cổ ở khu vực này.

Phần cuối sách, tác giả phân tích ảnh hưởng của đạo lý Nho gia và vai trò của hương ước đối với đời sống cộng đồng làng xã. Trong quá trình tồn tại ở thời xã hội quân chủ, hương ước chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo lý Nho gia. Một số nhà Nho dựa vào Luận ngữ để lập hương ước, còn đại đa số dựa vào sách kinh truyện của các bậc thánh hiền, và cũng không ít nhà Nho đã tiếp thu Lam Điền Lã thị hương ước – bản hương ước mẫu kinh điển thời Bắc tống Trung Quốc. Các nhà Nho cũng có những sáng tạo riêng trong việc lập hương ước để phù hợp với hoàn cảnh địa lý và điều kiện lịch sử mỗi địa phương. Hương ước có một vị trí quan trọng thể hiện tính chất tự quản, tự trị của làng xã. Trong đó, quy định hành vi ứng xử của cá thể thành viên với tổ chức xã hội. Hương ước đã góp phần bổ sung luật pháp cho Nhà nước quân chủ. Thông qua hương ước làng xã đã duy trì tổ chức cộng đồng chặt chẽ. Tuy vậy nếu so sánh với pháp luật của Nhà nước thì hương ước chưa đạt tới sự hoàn chỉnh, chặt chẽ, tính chất pháp chế của hương ước chưa cao.

Cuốn sách “Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc Bộ” là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, công phu của PGS. TS. Vũ Duy Mền trong 5 năm. Tôi tin cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến hương ước.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!