Một số biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính thực trạng và hướng hoàn thiện

 

 

 

Tác giả: Cao Minh Vũ, Nguyễn Nhật Khanh, Trương Tư Phước

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

Năm xuất bản: 2019

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá 05.

Bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức  thực hiện hành vi vi phạm hành chính, pháp luật còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về vấn đề này còn nhiều hạn chế, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện. Cuốn sách Một số biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính thực trạng và hướng hoàn thiện” do TS. Cao Vũ Minh chủ biên phân tích, đánh giá thực trạng và đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mở đầu cuốn sách, nội dung “Những vấn đề lý luận và pháp lý về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính” làm rõ khái niệm, đặc điểm, mục đích, ý nghĩa và quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính.

Phần lớn nội dung của cuốn sách chỉ ra những bất cập khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2014, 2017) và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về: quy định áp dụng, thẩm quyền, thủ tục áp dụng và thi hành quyết định, cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục, hướng giải quyết trong trường hợp có sai sót, không chính xác khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Sự lẫn lộn giữa biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo thủ tục hành chính với các biện pháp khác được áp dụng theo thủ tục tố tụng hoặc thủ tục trọng tài đã gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình áp dụng luật.

Những khó khăn, bất cập khi áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính là kết quả tất yếu do những hạn chế trong quy định pháp luật về vấn đề này. Người vi phạm không chấp hành, cơ quan nhà nước không tiến hành cưỡng chế thi hành, người có thẩm quyền không thể áp dụng các biện pháp, chủ thể có thẩm quyền áp dụng “máy móc” quy định và hàng loạt những bất cập khác đã được tác giả đưa ra. Từ những bất cập nêu trên, các tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính: hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục áp dụng và thi hành quyết định, quy định về cưỡng chế thi hành… ; hoàn thiện công tác áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; kiện toàn bộ máy, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục cưỡng chế đối với đối tượng vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, những giải pháp về tài chính, cơ sở vật chất và hạ tầng được các tác giả đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính. Những đề xuất của nhóm tác giả là những gợi ý cho quá trình nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới.

Sách là tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành, hải quan, kiểm lâm,… và bạn đọc quan tâm về vấn đề này.

                                            Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!