An ninh kinh tế biển trên vùng biển, đảo Tây Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

 

 

 

    Tác giả: Phan Công Chính

    Năm xuất bản: 2020

    Nhà xuất bản: Công an nhân dân

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 - Giá tham khảo kinh tế.

Việt Nam là một quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3260 km, trong đó vùng biển đảo Tây Nam nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau là một trong những khu vực đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược biển quốc gia và có vị trí đặc biệt về quốc phòng an ninh. Những năm qua, việc đầu tư phát triển kinh tế biển ở vùng này đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì vùng biển đảo Tây Nam luôn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp gây mất ổn định về an ninh, tác động tiêu cực đến việc thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta. Với mục tiêu trang bị cho bạn đọc kiến thức về an ninh kinh tế biển, TS. Phan Công Chính biên soạn cuốn sách An ninh kinh tế biển trên vùng biển, đảo Tây Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Kinh tế biển là tổng thể các quan hệ kinh tế đặc thù gắn với không gian biển thông qua hoạt động của các chủ thể trực tiếp diễn ra trên biển và các ngành nghề ở đất liền có liên quan và dựa vào yếu tố biển. Phát triển kinh tế biển có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà còn đối với quốc phòng - an ninh của một quốc gia.

Mở đầu cuốn sách, tác giả hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế biển, an ninh kinh tế trên vùng biển, đảo Việt Nam; qua đó làm rõ khái niệm, các thành phần của vùng biển, đảo. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, đảo như dầu khí, trữ lượng hải sản, năng lượng, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế biển - một bộ phận của nền kinh tế quốc dân. Qua việc phân tích thực trạng của một số lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như kinh tế hàng hải; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản; khai thác và chế biến dầu khí; du lịch biển; nghề làm muối,… tác giả đưa ra các chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển các lĩnh vực này ở Việt Nam trong thời gian tới; trong đó bảo vệ an ninh kinh tế biển được quan tâm đặc biệt. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản làm căn cứ pháp lý quan trọng để các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia nói chung và bảo vệ an ninh kinh tế trên vùng biển, đảo Tổ quốc nói riêng. Từ đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã chủ động tiến hành những biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những vấn đề phức tạp đang diễn ra như hoạt động xâm phạm an ninh lãnh thổ, biên giới quốc gia; khai thác hải sản trái phép; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến các dự án kinh tế biển,... và gặt hái được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, xuất phát từ vị trí địa lý, đặc điểm tình hình, lịch sử vùng biển nên vùng biển, đảo Tây Nam luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế biển, hoạt động này vẫn đang đối mặt với một số khó khăn. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn an ninh kinh tế biển trên vùng biển, đảo Tây Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần bảo vệ an ninh kinh tế biển trên vùng biển này trong thời gian tới.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những bạn đọc quan tâm đến vấn đề biển đảo Tổ quốc nói chung và vùng biển, đảo Tây Nam nói riêng.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!