Những định hướng cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam

 

 

   

    Tác giả: ThS. Đặng Thanh Sơn

    Nhà xuất bản: Tư pháp

    Năm xuất bản: 2021

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 - Giá 07.

Pháp luật xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội. Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, nhưng trong bối cảnh mới hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn. Nhằm góp phần làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho quá trình hoạch định đường lối, chính sách xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ThS. Đặng Thanh Sơn cùng đồng nghiệp biên soạn cuốn sách “Những định hướng cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính”.

Về mặt lý luận, tác giả làm rõ các khái niệm, yếu tố cấu thành, đặc điểm vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính; phân định ranh giới giữa vi phạm hành chính với hành vi phạm tội. Mặc dù các khái niệm đã được “luật hoá” nhưng vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện. Ngoài việc làm rõ nội hàm khái niệm, tác giả phân tích tính chất, vai trò, phạm vi điều chỉnh của pháp luật xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu những vấn đề mang tính vĩ mô trực tiếp liên quan đến hoạch định chính sách, định hướng phát triển tổng thể và toàn diện đối với hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Giới thiệu, phân tích pháp luật xử lý vi phạm hành chính của một số nước trên thế giới, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt so với pháp luật xử lý vi phạm hành chính ở nước ta. Từ đó, rút ra kinh nghiệm và giá trị trí tuệ pháp lý có thể nghiên cứu, tham khảo, vận dụng ở Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, việc đánh giá những thành quả đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện là bức tranh toàn cảnh mang tính khái quát, chân thực, toàn diện về thực trạng chính sách và thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Khi Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chính sách xử lý vi phạm hành chính có sự phát triển mang tính đột phá khi vì đã khắc phục những hạn chế, tồn tại của những văn bản trước đó; thể hiện sự hài hoà giữa chế tài hành chính với chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức; các chính sách về phạt tiền, thẩm quyền xử phạt, bảo vệ người chưa thành niên,… đều có sự thay đổi theo hướng phát triển toàn diện, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, các chính sách pháp luật còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, khoảng trống pháp lý.

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, tác giả đề xuất, kiến nghị những định hướng cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam. Tác giả cho rằng cần phải quán triệt quan điểm chủ đạo của việc định hướng chiến lược trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính, hay nói cách khác cần thống nhất triết lý lập pháp. Trên cơ sở đó, đề ra những định hướng chính sách, giải pháp thực hiện mang tính tổng thể, chiến lược, lâu dài và giải pháp trước mắt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước nhằm hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những định hướng cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã xác định được những định hướng lớn, đề xuất các chính sách, giải pháp mang tính “đột phá”, tiêu biểu, xác thực và hiệu quả trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Đây chắc chắn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học, hoạch định chính sách, người hoạt động thực tiễn, giảng viên và người học cần nghiên cứu về vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!