Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông

 

 

 

  Tác giả: Lý Hoàng Mai (chủ biên), Phạm Sỹ An,…

  Nhà xuất bản: Khoa học Xã hội

  Năm xuất bản:  2022

  Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 - Giá: Lịch sử.

Thực tiễn quá trình vận động và phát triển của xã hội Việt Nam thời phong kiến cho thấy đã có nhiều cuộc cải cách thể chế diễn ra nhằm đổi mới, củng cố, hoàn thiện bộ máy nhà nước và chính sách cai trị. Trong số đó, hai cuộc cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly (1336 – 1447) và Lê Thánh Tông (1442 – 1497) được đánh giá là tương đối toàn diện và tiêu biểu. Cuốn sách chuyên khảo “Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông” do TS. Lý Hoàng Mai và tập thể tác giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành nghiên cứu, đánh giá hai cuộc cải cách này, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Sách gồm 243 trang, khai thác 3 vấn đề sau: Thứ nhất, phân tích bối cảnh lịch sử dẫn đến các cuộc cải cách thể chế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông; nghiên cứu, nội dung hai cuộc cải cách trên hai góc độ: thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Thứ hai, làm rõ ảnh hưởng của hai cuộc cải cách này tới nền kinh tế phong kiến ở thế kỷ XV trên các phương diện: sở hữu đất đai, nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Thứ ba, đánh giá kết quả của hai cuộc cải cách ở các mặt thành công và hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó và rút ra bài học kinh nghiệm.

“Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông” tập trung khai thác nội dung về tầm ảnh hưởng của hai cuộc cải cách này. Mặc dù nhà Hồ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (từ năm 1400 đến năm 1407) và có nhiều luống ý kiến xung quanh những cải cách của Hồ Quý Ly nhưng cuốn sách đã phân tích và khẳng định vai trò quan trọng, những đường lối đúng đắn của vị Hoàng đế họ Hồ. Lúc bấy giờ, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly đã phần nào giải quyết những tồn đọng cuối thời nhà Trần; tuy còn nhiều hạn chế nhưng vai trò “mở đường” của cuộc cải cách trong việc xây dựng nhà nước trung ương có sức mạnh về cả quân sự và kinh tế là không thể phủ nhận. Hơn thế nữa, kết quả mà cuộc cải cách đạt được đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền của tiến trình vận động của xã hội phong kiến Việt Nam ở những thế kỷ tiếp theo.

Vua Lê Thánh Tông cũng tạo nên những thay đổi căn bản trong kinh tế và xã hội của nước ta thời kỳ bấy giờ, thực thi nhiều chính sách mang tính khai phóng, trong đó tập trung vào cải cách ruộng đất, nông nghiệp. Vua Lê Thánh Tông giúp người dân có ruộng, hăng say cày cấy, trao đổi hàng hóa, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng thời Lê Sơ, đặc biệt trong giai đoạn vua Lê Thánh Tông trị vì đã đạt tới sự ổn định, kỷ cương và thịnh trị được coi vào hàng bậc nhất xuyên suốt lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Dù cho những cải cách về thể chế chính trị của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông đã phần nào bị “phai mờ” bởi thời gian nhưng những tư tưởng và bài học mà hai bậc tiền nhân để lại vẫn sẽ luôn là những bài học kinh nghiệm quan trọng cho phát triển xã hội hiện ngày nay.

“Cải cách thể chế chính trị, kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông” giúp người đọc hiểu thêm về thể chế chính trị và kinh tế trong lịch sử nước ta.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!