Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam

    Tác giả: TS. Dương Thị Tươi

    Nhà xuất bản: Tư Pháp

    Năm xuất bản: 2024

    Địa chỉ tài liệu: 

        Kho mượn: Giá 12 (Luật Tố tụng hành chính)

        Kho đọc tầng 2: Giá 21 (Luật Tố tụng hành chính) 

"Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam" là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về quyền công dân trong quá trình tố tụng hành chính, phản ánh thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Đây là một chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh pháp luật Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo công bằng, minh bạch trong xét xử các vụ án hành chính.

Nội dung cuốn sách gồm ba chương:

Chương một: “Cơ sở lý luận về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam”. Tác giả làm rõ khái niệm, đặc điểm cơ bản và vai trò quan trọng của việc bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính, điều này không chỉ giúp công dân thực hiện quyền khởi kiện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp hành chính. Ngoài ra, các điều kiện pháp lý bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính, bao gồm những yêu cầu đối với hệ thống pháp luật, đội ngũ thẩm phán và hoạt động kiểm sát nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân cũng được tác giả nhấn mạnh trong chương này.

Chương hai:“Thực trạng bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam”. Tác giả phân tích các quyền của công dân trong tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam và đối chiếu với thực tiễn áp dụng: quyền khởi kiện của công dân, quyền và nghĩa vụ của luật sư trong tố tụng hành chính, vai trò và trách nhiệm của thẩm phán, cũng như hoạt động giám sát của viện kiểm sát nhân dân. Để có cái nhìn sâu sắc hơn, tác giả so sánh thực trạng bảo đảm quyền công dân trong tố tung hành chính ở Việt Nam với kinh nghiệm quốc tế, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính. Mặc dù Việt Nam đã có những quy định pháp luật tương đối đầy đủ về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong khâu thực thi như: thời gian giải quyết vụ án kéo dài, sự hạn chế về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận thẩm phán, cũng như việc thi hành án hành chính chưa thực sự hiệu quả,…gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Chương ba: “Quan điểm và giải pháp bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam”. Tác giả đưa ra quan điểm về bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền tư pháp hành chính công bằng, minh bạch và hiệu quả. Tác giả cho rằng việc bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ một cách triệt để. Dựa trên các quan điểm này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam: tiếp tục hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, tăng cường cơ chế giám sát của tòa án đối với các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm hiệu quả thi hành án hành chính và nâng cao vai trò của kiểm sát viên, luật sư trong tố tụng hành chính. Những giải pháp này không chỉ hướng tới việc khắc phục các hạn chế hiện nay mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống tư pháp hành chính tại Việt Nam.

Bên cạnh ba chương chính, cuốn sách còn có phần phụ lục những văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến tố tụng hành chính và danh mục tài liệu tham khảo bao gồm các công trình nghiên cứu, sách, bài báo trong và ngoài nước, góp phần tạo nên cơ sở học thuật vững chắc cho nội dung cuốn sách.

Với cách tiếp cận khoa học và thực tiễn, cuốn sách "Bảo đảm quyền công dân trong tố tụng hành chính ở Việt Nam" là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến lĩnh vực pháp luật hành chính, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên luật, thẩm phán, luật sư và các cán bộ tư pháp. Không những thế, cuốn sách còn góp phần vào việc nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân trong quá trình tố tụng.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!