Thi hành án đối với quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện hành

     Tác giả: TS. Bùi Nguyễn Phương Lê

     Nhà xuất bản: Tư pháp

     Năm xuất bản: 2022

     Địa chỉ: Phòng đọc 2 – Giá Tố tụng dân sự

Thi hành án dân sự (THADS) là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Thông qua thi hành án dân sự, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước về mặt dân sự sẽ được thi hành, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án đối với quyền sử dụng đất (QSDĐ) có vị trí quan trọng. Nhằm góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án đối với quyền sử dụng đất, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn: “Thi hành án đối với quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện hành”.

Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày những vấn đề lý luận về thi hành án đối với quyền sử dụng đất bao gồm khái niệm, đặc điểm, phân loại thi hành án đối với QSDĐ, nội dung điều chỉnh của pháp luật về thi hành án đối với QSDĐ. Thi hành án đối với QSDĐ là hoạt động THADS, trong đó đối tượng thi hành án là QSDĐ, nhằm hướng tới mục đích là đảm bảo thi hành các bản án, quyết định hoặc các tài liệu có giá trị thi hành. Do đó, thi hành án đối với QSDĐ sẽ mang bản chất của THADS nói chung và mang những bản chất riêng có đối với loại đối tượng này. Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành về thi hành án đối với QSDĐ, tác giả đã tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau như: chế định pháp luật; trình tự, thủ tục; quan hệ pháp luật. Trong nội dung điều chỉnh pháp luật thi hành án đối với QSDĐ, tác giả tập trung nghiên cứu các hoạt động xác minh quyền sử dụng đất; cưỡng chế kê biên, xử lý quyền sử dụng đất và cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất.

Phần tiếp theo là thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về thi hành án đối với QSDĐ ở Việt Nam. Trong chương này, tác giả tập trung phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở ba hoạt động cụ thể là xác minh QSDĐ; cưỡng chế kê biên, xử lý QSDĐ và cưỡng chế chuyển giao QSDĐ. Mặc dù Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xây dựng riêng một số quy định về thi hành án đối với QSDĐ nhưng qua việc đưa ra những tình huống thực tiễn, có thể nhận thấy rằng một số quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án đối với QSDĐ còn có vướng mắc, bất cập. Sự thiếu hợp lý trong quy định giao toàn bộ nghĩa vụ xác minh thuộc về chấp hành viên, sự thiếu rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia xác minh hay việc thiếu các quy định cụ thể về thời gian tiến hành một số hoạt động trong cưỡng chế kê biên, xử lý QSDĐ và cưỡng chế chuyển giao QSDĐ khiến cho hoạt động thi hành án đối với QSDĐ khó kiểm soát được thời điểm kết thúc hoạt động - nguyên nhân chính của việc lạm quyền và sự bức xúc của các bên đương sự.

Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả đưa ra một số yêu cầu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thi hành án đối với QSDĐ như: đảm bảo các vấn đề về sự cân bằng quyền lợi của các bên tham gia; rõ ràng, minh bạch trong quy định về thủ tục; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thẩm quyền của chấp hành viên khi tổ chức thi hành án và đảm bảo tính hợp lý khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong thi hành án đối với QSDĐ. Các kiến nghị được xây dựng trên cơ sở phân tích các vướng mắc trong thực tiễn thi hành, đối chiếu với các nền tảng lý thuyết đã xây dựng và yêu cầu đối với việc hoàn thiện pháp luật. Về xác minh quyền sử dụng đất, tác giả đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ thể có liên quan là người phải thi hành án và cơ quan quản lý đất đai trong việc cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án; tách quy định về trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai trong điểm b khoản 6 điều 44 Luật THADS thành một khoản riêng để nhấn mạnh sự khác biệt về trách nhiệm của cơ quan này đối với tài sản đặc biệt là QSDĐ. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị về sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc cũng như thủ tục kê biên, xử lý quyền sử dụng đất; cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Những kiến nghị này sẽ là cơ sở để hoàn thiện pháp luật về thi hành án đối với QSDĐ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án đối với QSDĐ nói riêng và công tác THADS nói chung.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!