Vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: TS. Hồ Thanh Hớn

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

Năm xuất bản: 2022

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá: Lí luận nhà nước pháp luật

Pháp luật có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, một số địa phương diễn ra tình trạng tổ chức tràn lan lễ hội văn hóa, gây lãng phí thời gian và kinh phí, mất trật tự xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí, một số lễ hội bị thương mại hóa. Cuốn sách Vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay” do TS. Hồ Thanh Hớn biên soạn sẽ làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của pháp luật trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống ở Việt Nam, từ đó đưa ra các quan điểm, giải pháp nhằm hệ thống hoá pháp luật về văn hoá và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương đầu, tác giả trình bày tình hình nghiên cứu và những vấn đề lý luận về vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. TS. Hồ Thanh Hớn đã cho bạn đọc thấy được nghiên cứu của mình thông qua ba vấn đề: văn hóa truyền thống và giá trị truyền thống; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và vai trò của pháp luật. Khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là nói đến hệ giá trị tốt đẹp đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc được thể hiện qua: lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, tính nhân đạo, khoan dung, yêu thương con người,… Qua đó, tác giả nhấn mạnh hơn vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở nước ta hiện nay. Có thể nói, pháp luật và văn hóa có mối quan hệ gắn bó, khăng khít và tương hỗ lẫn nhau. Pháp luật thể hiện vai trò bằng nhiều khía cạnh như thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thành các mục tiêu chung của đời sống xã hội, là công cụ hiệu quả giúp giáo dục nâng cao ý thức con người, …Chính sợi dây liên kết đó sẽ tạo ra hệ thống giá trị văn hóa và pháp lý hướng đến thúc đẩy và bảo đảm quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đến với chương tiếp theo, cuốn sách cho thấy thực trạng vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Bạn đọc sẽ nhận thấy một cách rõ ràng nhất về kết quả đạt được cũng như hạn chế về vai trò của pháp luật trong thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng; tạo lập cơ sở pháp lý cho các chủ thể; giáo dục nâng cao ý thức cho các chủ thể trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống;… Một số thành tựu có thể kể đến: chính sách pháp luật về văn hóa ngày càng toàn diện, đồng bộ hơn, vì thế khắc phục được hạn chế, bất cập trong xây dựng các chính sách pháp luật; thuận lợi tiếp thu các thành tựu nhân loại, tiếp cận các giá trị pháp lý hiện đại, văn minh, … Bên cạnh đó là hạn chế còn tồn tại: một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung hoặc khi ban hành chưa phát huy hết vai trò thực tiễn; sự tác động của toàn cầu hóa đã ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận lớn cán bộ, nhân dân nhất là lớp trẻ, tác động tiêu cực đến thiết chế giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chương cuối của cuốn sách trình bày quan điểm và giải pháp bảo đảm vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, các quan điểm phải được thể chế hoá kịp thời, đầy đủ; đồng bộ giữa các khâu xây dựng, giáo dục, thực hiện và bảo vệ pháp luật; gắn với thực hiện các mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam… Từ đó, ông đưa ra 4 nhóm giải pháp cụ thể: tăng cường sự lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho các chủ thể trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức thực hiện và xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật về văn hóa; cuối cùng là tăng cường nguồn lực trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu văn hóa. Tác giả cho rằng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng không có nghĩa là Đảng bao biện, làm thay Nhà nước, làm phai mờ các chức năng quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, mà chính là tăng cường sự lãnh đạo thông qua đường lối chung về mọi mặt của đời sống xã hội và đường lối riêng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam.

Cuốn sách góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!