|
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Nguyễn Văn Quân
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 2023
Địa chỉ: Phòng đọc 2 - Giá 01
|
Các lý thuyết pháp luật đương đại là vấn đề đã được đề cập và áp dụng từ lâu trên thế giới nhưng lại khá mới ở Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu luật học, PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn và TS. Nguyễn Văn Quân đã giới thiệu những tri thức cần thiết về lý thuyết pháp luật đương đại qua cuốn sách: “Các lý thuyết pháp luật đương đại trên thế giới”. Sách gồm 9 chương, 438 trang, giới thiệu các lý thuyết pháp luật trên thế giới, khái quát về tình hình nghiên cứu các lý thuyết pháp luật đương đại ở Việt Nam và gợi mở hướng nghiên cứu mới cho độc giả.
Chương 1, giới thiệu tổng quan về lý thuyết pháp luật gồm: khái niệm, nguồn, phạm vi nghiên cứu, bối cảnh và tầm quan trọng của lý thuyết pháp luật.
Chương 2, 3 trình bày các lý thuyết pháp luật tự nhiên đương đại của Lon Luvois Fuller, John Finnis và lý thuyết pháp luật thực chứng đương đại của Jeremy Bentham, John Austin, Herbert Lionel Adolphus Hart. Hai chương này giới thiệu về tác giả, tác phẩm; nội dung lý thuyết; những đóng góp và những vấn đề còn tiếp tục tranh luận.
Chương 4,5 nghiên cứu lý thuyết pháp luật của Hans Kelsen và Ronald Myles Dworkin. Tác giả không chỉ giới thiệu tác giả, tác phẩm, những đóng góp cơ bản về lý thuyết pháp luật của Hans Kelsen mà còn đi sâu phân tích lý thuyết về tính cưỡng chế của pháp luật, lý thuyết thứ bậc của các quy phạm, thuật ngữ Grundnorm, những đóng góp và vấn đề tiếp tục tranh luận. Đồng thời, tác giả cũng giới thiệu về những nội dung cơ bản trong lý thuyết pháp luật của Dworkin và lý thuyết về luật như là sự liêm chính, sự toàn vẹn; thẩm phán không làm luật mà thẩm phán chỉ xác định và tuyên bố luật; lý thuyết về sự diễn giải pháp luật – giải thích: toàn vẹn; vấn đề xác định quyền trong thực tế và xử lý trường hợp xung đột quyền; những đóng góp và những vấn đề tiếp tục cần tranh luận.
Chương 6 nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực ở Mỹ gồm: những vấn đề tổng quan, luật như là một sự tiên tri, chủ nghĩa hoài nghi quy tắc, chủ nghĩa hoài nghi thực tế/ sự thật, nghề luật là một nghề đòi hỏi những kỹ năng và tư duy vĩ đại, những phương pháp lập luận dựa trên chính sách, những vấn đề được tranh luận.
Hai chương 7 và 8 giới thiệu về chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Marx hiện đại về pháp luật và các lý thuyết pháp luật đương đại khác như: lý thuyết xã hội học pháp luật, chủ nghĩa pháp lý nữ quyền, lý thuyết về công lý của Rawls.
Chương 9 khái quát về kết quả nghiên cứu các lý thuyết pháp luật đương đại ở Việt Nam gồm: nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lý thuyết pháp luật, nghiên cứu nổi bật của các học giả nước ngoài về lý thuyết pháp luật ở Việt Nam, nghiên cứu nổi bật của các học giả trong nước, những khoảng trống trong nghiên cứu. Đồng thời tác giả cũng gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo như: lý thuyết pháp luật tự nhiên đương đại, lý thuyết pháp luật thực chứng đương đại, nghiên cứu về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam, …
Cuốn sách “Các lý thuyết pháp luật đương đại trên thế giới” là nỗ lực nghiên cứu, tham khảo, tổ chức toạ đàm trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm ở cả trong và ngoài nước của các tác giả. Đây là một tài liệu hữu ích để học tập, nghiên cứu, giúp người đọc hiểu sâu hơn về lý thuyết pháp luật, rút kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!