|
Tôn giáo và công bằng kinh tế
Tác giả: Michael Zweng ( Chủ Biên )
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2022
Địa chỉ phòng đọc: Phòng đọc 01 – Giá Tôn giáo
|
Về mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh tế, Mác-Lênin đã từng nhận định: Tôn giáo có nguồn gốc từ kinh tế, do đời sống sản xuất vật chất sinh ra, sự tồn tại hay biến đổi của tôn giáo do đời sống kinh tế - xã hội quyết định. Cuốn sách “Tôn giáo và công bằng kinh tế” của tập thể tác giả do Michael Zweig chủ biên là một trong những công trình nghiên cứu chuyên sâu về hai phạm trù này. Với kiến thức sâu rộng và trải nghiệm thực tiễn, nhóm tác giả đã trình bày những phân tích, nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo và kinh tế trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ sụp đổ, nhiều nước Đông Âu đã chuyển đổi nền kinh tế theo chế độ tư bản chủ nghĩa; khi sự sung túc chỉ dành cho số ít người sở hữu tư bản, còn đa số người dân lâm vào cảnh thất nghiệp, áp bức, nghèo đói, bất công. Chính trong tình cảnh đó, vai trò của các thiết chế tôn giáo trở nên vô cùng quan trọng khi đứng về phía lẽ phải, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội lúc bấy giờ.
Nội dung cuốn sách được chia làm 4 phần:
Phần I - Phạm trù đối thoại. Phân tích chi tiết về kinh tế học, kinh tế học dòng chính, kinh tế học Mácxít và thần học giải phóng; mối liên hệ chặt chẽ giữa kinh tế học và thần học. Đây là phần tạo khuôn khổ cho các phần tiếp theo.
Phần II - Quan điểm tôn giáo về công bằng kinh tế. Nhóm tác giả đưa ra những quan điểm về công bằng kinh tế trong tư tưởng tôn giáo; phân tích mối liên hệ giữa niềm tin tôn giáo và các lợi ích kinh tế đang xung đột; trình bày các giáo lý xã hội của Công giáo hiện đại về vấn đề kinh tế; phác hoạ lại bức tranh lịch sử và cuộc đấu tranh đòi công bằng kinh tế của Do Thái giáo và Cơ đốc giáo; chứng minh vai trò thứ yếu của phụ nữ trong xã hội đương thời và cách thức mà thần học giải phóng phụ nữ.
Phần III - Cấu trúc của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhóm tác giả tập trung giải quyết hai khía cạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đó là tính chất toàn cầu và thành phần giai cấp của nó. Phân tích vấn đề nạn đói ở khu vực châu Phi, cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào Thế giới thứ ba. Đồng thời, làm sáng tỏ các cấu trúc kinh tế học toàn cầu và tác động của chúng đối với con người; cấu trúc giai cấp của nền kinh tế Mỹ, mối quan hệ giữa giai cấp và tình trạng nghèo đói.
Phần IV - Những hàm ý chính trị. Giới thiệu nền dân chủ hậu tự do và vai trò của cá nhân, cộng đồng trong xã hội và tự nhiên. Phân tích, đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của chủ nghĩa tự do cổ điển dựa trên thực tế các mối quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Bằng lối phân tích logic cùng những nghiên cứu, đánh giá sâu sắc của các chuyên gia trong lĩnh vực chính trị học và kinh tế học nổi tiếng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích và thú vị cho bất kỳ ai quan tâm đến tôn giáo và kinh tế cũng như muốn tìm kiếm một góc nhìn mới về mối liên hệ giữa hai phạm trù này.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!