|
Tác giả: Lê Cảm, Nguyễn Trọng Hiếu
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia sự thật
Năm xuất bản: 2021
Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá 17
|
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động,… Trong đó, quyền con người trong pháp luật hình sự Việt Nam qua ba lần pháp điển hoá đã có nhiều điểm mới, tiến bộ, là công cụ pháp lý quan trọng, sắc bén trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cuốn sách chuyên khảo "Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật Hình sự thực định Việt Nam" của TSKH.GS. Lê Cảm và TS. Nguyễn Trọng Hiếu đồng chủ biên được NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021 đi sâu vào phân tích và làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ các quyền con người trong phạm vi pháp luật Hình sự thực định tại Việt Nam.
Sách gồm 11 chương, tập trung phân tích việc bảo vệ các quyền con người dựa trên các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999, 2015. Chương 1 và 2, tác giả phân tích các chuẩn mực quốc tế chủ yếu về bảo vệ quyền con người bằng pháp luật Hình sự, giới thiệu về các quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật Hình sự thực định trước pháp điển hóa lần thứ ba (1985-2015).
Chương 3 đến chương 7, phân tích khoa học những vấn đề bảo vệ các quyền con người bằng chế định lớn về đạo luật hình sự, về tội phạm, những tình tiết loại trừ tính tội phạm của hành vi, trách nhiệm hình sự và các biện pháp cưỡng chế hình sự. Từ góc độ bảo vệ quyền con người bằng các chế định lớn này, các tác giả làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, quy phạm pháp luật, thực tiễn thực hiện bảo vệ các quyền con người và đưa ra đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của pháp luật hình sự thực định Việt Nam hiện hành dưới góc độ bảo vệ quyền con người, khắc phục một số “lỗ hổng” đang tồn tại trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chương 8 đến chương 9: Bảo vệ các quyền con người bằng chế định lớn về quyết định hình phạt và các biện pháp tha miễn hình sự. Đây là những chế định quan trọng của pháp luật hình sự. Việc quyết định hình phạt không thể xem nhẹ mặt này hay mặt kia. Để bảo vệ quyền con người, đòi hỏi khi quyết định hình phạt, Toà án phải lựa chọn loại và mức hình phạt chính xác, công bằng và đúng pháp luật đối với người phạm tội. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề bảo vệ các quyền con người bằng chế định lớn về các biện pháp tha miễn hình sự có thể thấy đây là chế định thể hiện rõ tính nhân văn và nhân đạo trong pháp luật hình sự vì con người. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự 2015 hiện hành vẫn còn thiếu một số định nghĩa pháp lý quan trọng mà chúng có ý nghĩa to lớn về mặt nhận thức khoa học cần được nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện.
Chương 10: Bảo vệ các quyền con người bằng chế định lớn về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Qua ba lần pháp điển hoá, có thể khẳng định Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể chế chế hoá một cách tốt nhất đường lối, chính sách của Đảng trong xây dựng pháp luật, những quy định liên quan đến chế định trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xử lý hoàn toàn phù hợp với sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời đến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế như: Công ước về quyền trẻ em năm 1990, các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên.
Chương 11: Bảo vệ các quyền con người bằng một số quy định tại 09/14 chương thuộc phần riêng bộ luật Hình sự 2015. Việc nghiên cứu 09 chương đã cho chúng ta đầy đủ cơ sở để nhận thấy rằng trong 222 điều mà ở các mức độ khác nhau có thể hiện việc bảo vệ (trực tiếp và gián tiếp) các quyền con người. Nhóm I bao gồm một số các quy định trong 04 chương thuộc Phần riêng với tất cả 64 điều luật, đề cập việc bảo vệ trực tiếp các quyền con người. Nhóm II bao gồm một số các quy định trong 05 chương thuộc Phần riêng Bộ luật với tất cả 43 cấu thành tội phạm, đề cập việc bảo vệ gián tiếp các quyền con người.
Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho những người quan tâm đến lĩnh vực pháp luật hình sự và quyền con người tại Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!