Vai trò của Tổng thống Mỹ trong quy trình lập pháp những năm đầu thế kỷ XXI

                                                                            

 

 

    Chủ biên: Lưu Thúy Hồng, Vũ Ngọc Quảng

    Nhà xuất bản: Thông tin và truyền thông

    Năm xuất bản: 2018

    Vị trí tài liệu: - Phòng đọc 2 - Giá sách 03.

                        - Phòng mượn 2 - Giá sách 02.

Mỹ là quốc gia tổ chức nhà nước theo chính thể Cộng hoà tổng thống, Tổng thống được trao các quyền hành rất lớn, vừa đứng đầu nhà nước, vừa đứng đầu chính phủ. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Tổng thống có quyền tác động đến quá trình lập pháp của Quốc hội từ giai đoạn đầu tiên đến khi dự luật có thể thành luật. Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu về quy trình lập pháp của Mỹ và vai trò của Tổng thống trong quy trình này, nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “Vai trò của Tổng thống Mỹ trong quy trình lập pháp những năm đầu thế kỷ XXI”.

Chương 1. Khái quát về quy trình lập pháp của Mỹ: Giới thiệu 4 điều kiện để đưa ra các dự luật, gồm: chủ thể đưa ra sáng kiến luật: nghị sĩ Quốc hội, Ủy ban Quốc hội, cơ quan lập pháp tiểu bang, Tổng thống, bộ, cơ quan hành pháp khác, nhóm lợi ích, công chúng; nội dung: dự luật cần tuân thủ Hiến pháp Mỹ, sắp xếp nội dung của dự luật theo thứ tự ưu tiên được giải quyết ở trước,…; hình thức: đánh máy theo mẫu của Hạ viện hoặc Thượng viện, sử dụng ngôn ngữ thận trọng,... Tiếp theo, các tác giả trình bày các bước trong quy trình lập pháp của Mỹ: đưa ra sáng kiến luật, đưa vấn đề vào nghị trình, thông qua một dự luật, ra văn bản luật.

Chương 2. Tổng thống Mỹ và vai trò của Tổng thống trong thể chế nhà nước Mỹ: Khái quát về Tổng thống Mỹ từ quá trình bầu cử, nhiệm kỳ, điều kiện để trở thành Tổng thống, lợi ích của Tổng thống Mỹ, việc kế thừa chức vụ Tổng thống Mỹ; vai trò của Tổng thống Mỹ trong ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp và một số hạn chế trong vai trò của Tổng thống Mỹ.

Chương 3 – 4. Vai trò của Tổng thống Mỹ trong quy trình lập pháp - Góc nhìn từ lý luận và thực tiễn: Cơ sở về kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa hình thành vai trò của Tổng thống Mỹ trong quy trình lập pháp. Tiếp đến, cuốn sách giới thiệu vai trò của Tổng thống Mỹ trong các hoạt động: đưa ra sáng kiến luật thông qua thông điệp liên bang và dự thảo ngân sách liên bang hàng năm; đưa vấn đề vào nghị trình bằng việc tác động đến nghị sĩ Quốc hội, tiếp xúc với công chúng để phổ biến chính sách tới cử tri; thông qua dự luật, phủ quyết luật; ra văn bản luật: ký văn bản luật, ký mệnh lệnh hành pháp, ký biên bản ghi nhớ, ký hiệp ước và hiệp định điều hành.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!