Để đời xanh mát, hãy vun đắp chiếc bát ngôn từ

 

 

 

 

Tác giả: Kim Yun Na

Năm xuất bản: 2019

Nhà xuất bản: Lao động

Địa chỉ tài liệu: Phòng Đọc 1 – Giá sách Tâm lí học.

Lời nói có sức mạnh vô cùng to lớn, có thể vực dậy hoặc quật ngã tinh thần của người tiếp nhận nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng kiểm soát được ngôn từ của mình bởi vì lời nói không phải là kĩ năng giao tiếp đơn thuần mà chính là thói quen được chúng ta trau dồi hàng ngày và là tấm gương phản chiếu nội tâm của mỗi người. Do vậy, muốn thay đổi thói quen lâu năm đó, chúng ta cần nỗ lực tìm hiểu nội tâm - nơi khởi nguồn của những lời nói ấy.

Điều tác giả Kim Yun Na muốn gửi gắm trong cuốn sách “Để đời xanh mát hãy vun đắp chiếc bát ngôn từ” không đơn thuần là phương pháp cải thiện kĩ năng giao tiếp mà còn muốn khơi gợi để bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lời nói cũng như cách thức để “chiếc bát ngôn từ” – nơi chứa đựng lời nói của mỗi người, ngày càng vững chắc và sâu sắc hơn.

Có những người trở nên cô độc chỉ vì lời nói là thông điệp đầu tiên mà tác giả truyền tải đến độc giả. Đó là những người có thói quen dùng câu từ mang tính áp đặt, chỉ trích, tự cho là bản thân luôn đúng còn người khác luôn sai. Vì thế, họ dễ dàng nói ra những lời nói vô tâm, khiến người xung quanh ngày càng xa lánh và rốt cuộc tự cô lập chính mình. Lí do là bởi họ luôn có tham vọng kiểm soát người khác bằng lời nói; khuyên bảo, thay đổi, dẫn dắt người khác theo định hướng của mình; sau đó viện cớ “thành ý” làm lí do cho những lời nói của mình khiến cuộc đối thoại đi vào ngõ cụt.

Đối lập với nhóm người này là những người có “chiếc bát ngôn từ” lớn. Họ giao tiếp với thái độ điềm đạm, phản ứng mềm dẻo trong mọi tình huống bởi họ có ngôn từ đa dạng, sâu sắc, giàu sự trải nghiệm trong cuộc sống. Người giao tiếp bằng chiếc bát ngôn từ” lớn sẽ luôn rộng lượng để lắng nghe và tiếp nhận lời nói của người khác, chấp nhận sự khác biệt và biết cách gợi ý để đối phương mở lòng nhiều hơn. Họ có thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân nhưng lại không nhượng bộ trong tình huống đòi hỏi giao tiếp rõ ràng. Những lời họ nói ra đúng lúc, hợp lý và mộc mạc nhưng lại khiến người nghe tin tưởng.

Để có được chiếc bát ngôn từ” lớn như vậy cần cả một quá trình vun đắp. Trước tiên, cần suy xét, nhìn sâu vào thế giới nội tâm của chính mình bằng cách khám phá quy luật tác động qua lại của 3 yếu tố cảm xúc, công thức và thói quen; từng bước suy ngẫm để nhận ra yếu tố nào đang cản trở sự trưởng thành trong cách giao tiếp của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần rèn luyện kĩ năng lắng nghe và đặt câu hỏi để thu hút đối phương, khiến họ có cảm giác an toàn, tin tưởng và sẽ chủ động mở lòng chia sẻ mọi thứ.

Cuối cùng, điều quan trọng để vun đắp cho chiếc bát ngôn từ” chính là dành thời gian suy ngẫm lại về “chiếc bát ngôn từ” của mình xem đã đủ sâu rộng để thấu hiểu người khác hay chưa. Và muốn thấu hiểu người khác thì trước hết phải am hiểu bản thân mình trước; từ đó giúp hóa giải sự bất đồng để duy trì và làm chủ các mối quan hệ.

Sách dành cho những ai quan tâm tới việc sử dụng lời nói để cải thiện hiệu quả của quá trình giao tiếp. Nếu bạn không muốn bị cô độc trong cuộc sống chỉ vì những lời nói thường ngày, hãy chủ động vun đắp cho “chiếc bát ngôn từ” của mình ngày một vững chãi và sâu sắc hơn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!