Những ảo tưởng về thiên tài: Phương thức đột phá giới hạn bản thân qua góc nhìn khoa học não bộ

 

Description: Kết quả hình ảnh cho những ảo tưởng về thiên tài

 

 

    Tác giả: Anders Ericsson, Robert Pool

    Nhà xuất bản: Lao động - Xã hội

    Năm xuất bản: 2019

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 - Giá sách Tâm lý học.

Chúng ta biết đến thiên tài âm nhạc Wolfgang A. Mozart - người không chỉ nổi danh bởi khả năng chơi violin và nhiều loại nhạc cụ khác, mà còn nổi tiếng vì có một “thính giác hoàn hảo”. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Mozart lại có thể giỏi một cách kỳ diệu đến vậy? Đó là năng lực trời phú hay do luyện tập mà có? Cuốn sách "Những ảo tưởng về thiên tài" của Anders Ericsson và Robert Pool chứng minh cho độc giả một điều: Thiên tài không hoàn toàn là năng khiếu bẩm sinh, mà có thể đạt được thông qua luyện tập có chủ ý.

Các tác giả đã nghiên cứu, quan sát, phỏng vấn nhiều người nổi tiếng trên thế giới, trong một số lĩnh vực về khía cạnh tâm lý học, sinh lý học, thần kinh học, về những gì họ làm và cách họ làm. Điểm chung mà hai tác giả rút ra được là các cá nhân này đều áp dụng một phương pháp giống nhau, đó là quá trình luyện tập nghiêm túc, có chủ ý. Khi áp dụng phương pháp này cho nhiều cá nhân có khả năng ở mức trung bình khá trở lên, kết quả cho thấy, họ cũng sở hữu được những kỹ năng tuyệt vời gần như những người nổi tiếng. Tác giả đưa ra hai trường hợp để chứng minh cho luận điểm của mình. Trường hợp thứ nhất là nhà tâm lý học người Nhật Bản Ayako Sakakibara, ông đã chọn 24 trẻ em từ 2 - 6 tuổi học về các hợp âm khác nhau trên đàn piano. Sau khóa đào tạo kéo dài trong 10 - 18 tháng, tất cả trẻ em trong chương trình đào tạo thí nghiệm đã phát triển được thính giác hoàn hảo và có thể xác định được từng nốt chơi trên đàn piano tương tự như Mozart. Trường hợp thứ hai là Steve Faloon, trong buổi thí nghiệm đầu tiên, hiệu suất nhớ của Steve chỉ đạt mức trung bình là nhớ được các dãy bảy chữ số và đôi khi là tám nhưng qua hơn 200 buổi tập luyện, cậu đã đạt tới 82 chữ số.

Tập luyện có mục đích sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tập luyện lặp đi lặp lại hay còn gọi là “tập luyện ngây thơ”. Việc tập luyện này liên quan đến việc phát triển các hình dung trong não bộ, đó là một cấu trúc trong tâm trí tương ứng với một vật, một ý tưởng, một bộ sưu tập thông tin hay bất cứ điều gì khác mang tính cụ thể hoặc trừu tượng mà bộ não đang nghĩ đến. Ví dụ, khi nhắc đến Mona Lisa, nhiều người sẽ ngay lập tức “nhìn” thấy hình ảnh bức tranh nổi tiếng trong tâm trí của mình; hình ảnh đó là hình dung trong đầu của họ về Mona Lisa. Yếu tố để phân biệt những người thể hiện lão luyện với tất cả những người khác là chất lượng và số lượng hình dung trong đầu của họ. Điểm nổi bật của những người thể hiện lão luyện là ngay cả khi đã trở thành những người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, họ vẫn liên tục phấn đấu để cải thiện kỹ thuật tập luyện và trở nên giỏi hơn nữa. Nhờ đó, họ có thể giải quyết vấn đề nhanh, chính xác và sắc bén hơn so với người khác.

Việc tập luyện trong các lĩnh vực khác nhau hiệu quả đạt được sẽ khác nhau. Tập luyện có mục đích cũng có những tiêu chuẩn vàng, tác giả đưa ra nguyên tắc của tập luyện có mục đích trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Những người có tài năng tự nhiên vẫn cần tập luyện để phát triển kỹ năng của mình nhưng họ cần ít hơn nhiều so với những người không có tài năng như vậy.

Thông điệp tác giả muốn gửi đến bạn đọc là: Bạn cũng có khả năng trở thành người lão luyện, thiên tài khi bạn nghiêm túc tập luyện có chủ đích và làm chủ tiềm năng của chính mình. Tương lai là do ta nắm bắt nên bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ, bắt đầu sớm nhất có thể để hình thành nền tảng bản thân nhé!

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!