Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cưỡng chế thi hành án dân sự

 

 

 

Tác giả: TS. Lê Anh Tuấn

Năm xuất bản: 2019

Nhà xuất bản: Tư pháp

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá số 22.

Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định dân sự. Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án, trong nhiều trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế do đương sự không tự nguyện thi hành án. Để đảm bảo hiệu quả của công tác thi hành án đối với những trường hợp này, các quy định về biện pháp, trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự phải phù hợp với tính chất của từng nghĩa vụ được thi hành. Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cưỡng chế thi hành án dân sự” của TS. Lê Anh Tuấn giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự.

Về mặt lý luận, cuốn sách trình bày khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo tác giả, thi hành án là thủ tục tố tụng độc lập so với các thủ tục tố tụng khác như điều tra, kiểm sát hoặc xét xử. Việc xây dựng các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự dựa trên các cơ sở khoa học sẽ nâng cao hiệu quả và bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các chủ thể. Tuy nhiên, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án dân sự bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội,… Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả; nguyên tắc cưỡng chế thi hành án dân sự và sự hình thành, phát triển các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau.

Về mặt thực tiễn, tác giả phân tích thực trạng và thực tiễn thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam. Nghiên cứu các quy định chung về cưỡng chế thi hành án dân sự cho thấy chưa có điều khoản nào quy định về nguyên tắc cưỡng chế thi hành án dân sự hoặc dẫn chiếu tới các nguyên tắc chung của pháp luật về thi hành án dân sự trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Ngoài việc trình bày các quy định chung và quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành án dân sự như khấu trừ tiền trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án,… cuốn sách còn phân tích thực tiễn thực hiện pháp luật, những tồn tại, hạn chế trong cưỡng chế thi hành án dân sự như: còn một số lượng lớn vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự không thành công; việc xác minh điều kiện thi hành án và cưỡng chế thi hành án dân sự trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự vẫn còn sai sót; việc thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự và xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự còn lúng túng,… Tác giả phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế trên và đưa ra yêu cầu, giải pháp nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam. Yêu cầu của hoạt động thi hành án dân sự là nhằm bảo đảm để các bản án, quyết định của Toà án và các quyết định khác được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự được thi hành trên thực tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thi hành án. Các giải pháp được tác giả đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành án dân sự là hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực hiện và bảo đảm các điều kiện cần thiết để cưỡng chế thi hành án dân sự.

Sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên quan tâm đến hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!