Tính ổn định của pháp luật - Nhận thức, thực tiễn và giải pháp đổi mới

Tác giả: TS. Nguyễn Văn Cương (chủ biên)

Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật

Năm xuất bản: 2021

Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 02 – Giá 01

Pháp luật được coi là công cụ giúp Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống, là cốt lõi để xây dựng một xã hội nhân văn, trật tự và góp phần vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp. Trong bối cảnh đổi mới hiện nay ở nước ta, việc tăng cường tính ổn định của pháp luật được nhận định như một tất yếu khách quan cần thực hiện nhằm đảm bảo sự ổn định trong điều chỉnh các quan hệ xã hội hướng đến hai mục đích, xây dựng xã hội kỷ cương, văn minh và bảo vệ, phát triển các giá trị chân chính, các quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, sự ổn định trong pháp luật là khái niệm tương đối, vì nếu tuyệt đối hoá sẽ khiến cho khung pháp lý của quốc gia bao phủ với phạm vi quá rộng dẫn đến sự “chung chung” trong quy định, gây khó khăn khi áp dụng và có thể dẫn đến cứng nhắc và nhanh lạc hậu so với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng. Từ nguyên do trên, nhu cầu nghiên cứu về tính ổn định của pháp luật đã được đặt ra.

Trong giai đoạn 2018 – 2019, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Tính ổn định của pháp luật Việt Nam”. Trên cơ sở kết quả đề tài này, tập thể tác giả kết hợp cùng Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật biên soạn, xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Tính ổn định của pháp luật - Nhận thức, thực tiễn và giải pháp đổi mới”, tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về tính ổn định pháp luật.

Cuốn sách gồm ba chương, nghiên cứu hai vấn đề chính. Thứ nhất, khái quát các vấn đề lý luận về tính ổn định của pháp luật và kinh nghiệm quốc tế. Thứ hai, phân tích thực trạng tính ổn định của pháp luật Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa ra giải pháp cải thiện tính ổn định của pháp luật Việt Nam trong giai đoạn tới.

Về mặt lý luận, trước hết nhóm tác giả đưa ra những yêu cầu mang tính nhân bản và cần được đáp ứng đối với pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Sau đó, trình bày những quan niệm, mối quan hệ đối với thuộc tính của pháp luật, các tiêu chí đánh giá, yếu tố ảnh hưởng, vai trò và ý nghĩa của tính ổn định của pháp luật. Theo nghiên cứu từ tập thể tác giả, quan niệm về tính ổn định của pháp luật đã xuất hiện rất nhiều từ hàng trăm năm trước, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có khái niệm nào giải thích rõ ràng cho thuật ngữ này. Vì là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng pháp luật nên tính ổn định của pháp luật có mối quan hệ mật thiết với những thuộc tính khác của pháp luật. Để đánh giá mức độ ổn định của một chính sách hay văn bản pháp luật cụ thể, những tiêu chí đánh giá tính ổn định của pháp luật có thể được vận dụng vào từng lĩnh vực. Tính ổn định của pháp luật cũng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thể chế chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội, tính chất quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đưa ra những nghiên cứu trên thế giới về tính ổn định của pháp luật, từ đó rút ra một số gợi ý cho Việt Nam.

Về mặt thực tiễn, tập thể tác giả nêu lên tổng quan về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật của Việt Nam hiện nay để có cái nhìn chung nhất về thực trạng. Tiếp đó, đánh giá tính ổn định của pháp luật Việt Nam ở một số lĩnh vực cụ thể, như xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự, thuế, dân sự, doanh nghiệp và đầu tư, ngân hàng. Qua đó, cuốn sách đưa ra đánh giá chung về tính ổn định của pháp luật Việt Nam cũng như những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu ổn định trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, trong đó có cả nguyên khách quan và chủ quan.

Cuốn sách chuyên khảo “Tính ổn định của pháp luật - Nhận thức, thực tiễn và giải pháp đổi mới” là một tài liệu hữu ích phục vụ trực tiếp cho quá trình triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như hoạt động học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!