Pháp luật về an toàn thực phẩm ở Việt Nam

    Chủ biên: Phạm Thị Thúy Nga

    Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

    Năm xuất bản: 2024

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá 5

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, duy trì và đảm bảo sức khỏe con người. Tuy nhiên nó cũng có thể trở thành nguồn gây bệnh đối với người sử dụng khi không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, an toàn thực phẩm là một vấn đề quan trọng và việc bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi sự nhận thức và hành động của mỗi người trong xã hội. Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được đặc biệt coi trọng ở Việt Nam. Các thể chế pháp luật mới được thiết lập nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cuốn sách “Pháp luật về an toàn thực phẩm ở Việt Nam” do TS. Phạm Thị Thúy Nga chủ biên giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thực trạng quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu cuốn sách, tác giả trình bày cơ sở lý luận pháp luật về an toàn thực phẩm gồm: đặc điểm, vai trò, nguyên tắc điều chỉnh, nội dung, tiêu chí đánh giá pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về an toàn thực phẩm từ các quốc gia: Đức, Hoa Kỳ và Singapore, từ đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam như: tiếp cận dựa trên phòng ngừa rủi ro trong toàn bộ chuỗi thực phẩm; pháp luật về an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở khoa học về thực phẩm, dinh dưỡng và đánh giá rủi ro; các quy định tiêu chuẩn an toàn thực phẩm áp dụng thống nhất đối với thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu; tăng cường và minh bạch các biện pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thiết lập cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm trên toàn bộ chuỗi thực phẩm,…

Phần tiếp theo, tác giả phân tích thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù nước ta đã có hệ thống các quy định pháp luật và hệ thống cơ quan giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều loại thực phẩm trên thị trường chưa đảm bảo an toàn; việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm còn nhiều bất cập, đặc biệt tình trạng lợi dụng hóa chất cấm, thuốc kháng sinh và các chất độc hại trong chế biến thực phẩm. Các nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên: sự thiếu đồng bộ trong hệ thống quản lý; những bất cập trong quy trình giám sát, thanh tra; nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế,…

Phần cuối, tác giả nêu các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều chỉnh pháp luật đảm bảo an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; thúc đẩy đào tạo và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và nhà sản xuất; ứng dụng công nghệ cao trong giám sát chất lượng thực phẩm,…

An toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe của người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ giám sát và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan là cần thiết để đảm bảo một môi trường an toàn và lành mạnh cho người tiêu dùng. Sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và bạn đọc quan tâm tìm hiểu vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!