
|
Chủ biên: TS. Chu Mạnh Hùng, TS. Đoàn Trung Kiên, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đồng chủ biên
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2024
Địa chỉ: Phòng đọc 2 – Giá Luật Hiến pháp
|
Trong bối cảnh cải cách hành chính và đổi mới quản lý nhà nước, cuốn sách “Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay” là một tài liệu quan trọng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền – một vấn đề cốt lõi trong quản trị quốc gia hiện đại. Cuốn sách do TS. Chu Mạnh Hùng, TS. Đoàn Trung Kiên và TS. Đoàn Thị Tố Uyên đồng chủ biên, cuốn sách không chỉ hệ thống hóa các vấn đề lý luận về phân cấp, phân quyền mà còn đánh giá thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Sách gồm 3 chương, tập trung vào những khía cạnh quan trọng nhất của phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước:
Trong chương đầu tiên, nhóm tác giả trình bày các khái niệm, nội dung, hình thức, nguyên tắc, vai trò của phân cấp, phân quyền; cơ sở chính trị - pháp lý của phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính nhà nước. Phân tích các điều kiện bảo đảm phân cấp, phân quyền: tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị, nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật,… và những yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp, phân quyền ở Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những mô hình phân cấp, phân quyền hiệu quả. Việc nghiên cứu và vận dụng những kinh nghiệm phù hợp sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý. Trong chương 2, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về thực tiễn phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở một số nước trên thế giới: Đức, Nhật Bản, Thái Lan và một số địa phương ở Việt Nam. Chương này phân tích kinh nghiệm quốc tế, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời, các tác giả đánh giá tình hình thực tế ở Việt Nam, chỉ ra những bất cập trong cơ chế phân cấp, phân quyền hiện nay.
Chương cuối sách, nhóm tác giả nêu quan điểm và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Dựa trên những phân tích trước đó, các tác giả nhấn mạnh cần có những điều chỉnh cụ thể về mặt pháp lý để khắc phục tình trạng phân cấp nửa vời, thiếu thống nhất, từ đó đảm bảo việc giao quyền đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nhà nước.
Cuốn sách khẳng định vấn đề phân cấp, phân quyền không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu quan trọng trong quản trị quốc gia. Một cơ chế phân cấp, phân quyền hợp lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương phát huy vai trò chủ động, sáng tạo. “Phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay” không chỉ mang giá trị lý luận mà còn có tính thực tiễn cao, phù hợp cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước và những ai quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!