Pháp luật chống hàng giả gây hại sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng ở Việt Nam

 

   Tác giả: Nguyễn Thị Quế Anh; Nguyễn Tiến Vinh chủ biên

      Nhà xuất bản: Hồng Đức

      Năm xuất bản: 2018

      Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 2 – Giá Luật Kinh tế (số 08).

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc cải cách, hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tượng sản xuất, lưu thông và buôn bán hàng giả vẫn chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng.

Cuốn sách “Pháp luật chống hàng giả gây hại sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng ở Việt Nam” của tập thể tác giả Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh và TS. Nguyễn Tiến Vinh chủ biên là công trình nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về pháp luật chống hàng giả tại Việt Nam, được phát triển trên cơ sở đề tài “Pháp luật về chống hàng giả gây hại cho sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng: Thực trạng và phương hướng hoàn thiện”.

Sách gồm 6 chương:

Chương 1: Hàng giả gây hại cho sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng: khái quát chung về hàng giả và hàng giả gây hại cho sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng (khái niệm, phân biệt hàng giả về nội dung và hình thức, đặc thù của nhóm hàng giả gây hại,...); thực trạng sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng giả trong nước, khu vực và quốc tế.

Chương 2: Pháp luật chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng: trình bày các đặc thù của pháp luật chống hàng giả như: tính phòng ngừa, nghiêm khắc, tích hợp nhiều lĩnh vực pháp luật; sự cần thiết phải xây dựng chính sách, cơ chế pháp luật chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng.

Chương 3: Kinh nghiệm pháp luật nước ngoài trong chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng: tổng quan kinh nghiệm chống hàng giả trên thế giới; phân tích một số hệ thống pháp luật điển hình về chống hàng giả của Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, Trung Quốc.

Chương 4: Hợp tác quốc tế trong chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng: mối quan hệ với các tổ chức quốc tế trong công tác chống hàng giả bao gồm: Hải quan, Y tế thế giới, cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol, tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO;... các thỏa thuận quốc tế về chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng.

Chương 5: Pháp luật Việt Nam về chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng: lịch sử hình thành và phát triển, hiện trạng nội dung  pháp luật Việt Nam về chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng; vấn đề áp dụng pháp luật ở nước ta qua một số vụ việc tiêu biểu.

Chương 6: Hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng: quan điểm của Đảng, Nhà nước; vấn đề hoàn thiện và tăng cường hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống hàng giả gây hại cho người tiêu dùng.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!