Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính: Thực trạng và giải pháp
|
Tác giả: ThS. Nguyễn Nhật Khanh
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2022
Địa chỉ: Phòng đọc 2 - Giá 5
|
Trong số các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phổ biến và được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy các cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện thi hành các quyết định xử phạt. Theo Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014 - 2020, số lượng các quyết định phạt tiền chưa thi hành còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền chưa hiệu quả, chưa đủ sức răn đe. Do đó, việc nghiên cứu các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý của Nhà nước. Nhằm góp phần khắc phục các hạn chế, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật xuất bản cuốn “Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính: Thực trạng và giải pháp” của ThS. Nguyễn Nhật Khanh.
Sách gồm ba chương. Chương thứ nhất, tác giả trình bày những vấn đề lý luận và pháp lý về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền bao gồm: Cơ sở lý luận, khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa và các quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền là cách thức các chủ thể có thẩm quyền sử dụng quyền lực của nhà nước tác động đến tài sản của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không tự nguyện thực hiện việc nộp phạt trong thời hạn quy định để thi hành nội dung phạt tiền đã được ấn định trong quyết định xử phạt. Cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền là một hình thức của cưỡng chế hành chính. Do đó, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền có các đặc điểm chung của cưỡng chế hành chính, đồng thời cũng có các đặc điểm riêng. Quy định của pháp luật Việt Nam về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền được tác giả trình bày và tiếp cận trên nhiều phương diện: quá trình phát triển của các quy định pháp luật, các biện pháp cụ thể, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục, chi phí thực hiện và thời hiệu thi hành.
Chương thứ hai, thực trạng về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền tại Việt Nam, tác giả dẫn chứng các số liệu thống kê cụ thể, phản ánh tình hình tổ chức thi hành quyết định phạt tiền và việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền. Trong chương này, thực trạng về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền được tác giả phân tích theo hai khía cạnh: thực trạng chung và thực trạng riêng. Thực trạng chung là về các trường hợp áp dụng, thẩm quyền, biện pháp xử lý vi phạm liên quan và sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng riêng về các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Từ đó tác giả chỉ ra một số hạn chế và bất cập trong các quy định phát luật hiện hành như: sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về số lượng và nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền; thiếu vắng điều khoản quy định thẩm quyền cưỡng chế thi hành các quyết định; pháp luật chưa có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm và những khó khăn, trở ngại trong quá trình áp dụng từng biện pháp cưỡng chế cụ thể.
Chương cuối, từ những nghiên cứu lý luận và thực trạng, tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt tiền: Cần hoàn thiện pháp luật các quy định chung và riêng về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền; cần có các giải pháp chung để nâng cao hiệu quả cưỡng chế thi hành quyết định phạt tiền, cụ thể là: Hoàn thiện công tác áp dụng pháp luật; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm quyền trong việc áp dụng; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đối với đối tượng bị cưỡng chế và các cá nhân, tổ chức có liên quan; các giải pháp về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.
Cuốn sách là kết quả của quá trình giảng dạy, nghiên cứu bài bản, đầy tâm huyết, trách nhiệm của chính tác giả. Do đó, sách là tư liệu tham khảo có giá trị đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, công tác tham mưu, trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính và những người quan tâm đến vấn đề phạt tiền trong hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!