Người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam

 

      Tác giả: TS. Bùi Thị Hà

      Nhà xuất bản: Tư pháp

      Năm: 2023

      Địa chỉ: Phòng đọc 2 – Giá Luật Tố tụng dân sự

Trong quá trình tố tụng, từ lâu người đại diện đã có vai trò quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như góp phần làm rõ sự thật vụ việc dân sự. Với tư cách là người tham gia tố tụng, hoạt động của người tham gia tố tụng không chỉ tác động đến những người tham gia tố tụng khác mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ việc. Với ý nghĩa đó, người đại diện của đương sự đã trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Cuốn sách: “Người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” là một người bạn đồng hành lý tưởng trên chặng đường tìm hiểu về người đại diện của đương sự và các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này.

Cuốn sách được chia thành ba chương, đề cập một số vấn đề lý luận và thực tiễn, thực trạng về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam. Trong chương đầu tiên -  Những vấn đề lý luận về người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự: các tác giả đề cập khái niệm, đặc điểm, cơ sở khoa học của việc xây dựng pháp luật và nội dung pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự. Nhờ đó, người đọc có những tri thức cơ bản về người đại diện của đương sự. Đó là người tham gia tố tụng nhân danh đương sự, thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án. Đồng thời, tiếp cận bản chất của vấn đề và lý giải được nguyên nhân hình thành quy định về người đại diện, điều kiện, quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng với tư cách đại diện của đương sự và chấm dứt đại diện.

Chương hai - “Thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành về người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự:  đánh giá một cách toàn diện thông qua các khía cạnh cụ thể về cách xác định người đại diện, phạm vi tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ, chấm dứt và hậu quả của chấm dứt đại diện trong pháp luật tố tụng. Trong đó, mỗi khía cạnh tập trung phân tích hai hình thức đại diện là đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Bên cạnh đó, chỉ ra một số hạn chế, bất cập còn tồn tại trong quy định của pháp luật. Từ đó, làm rõ nội dung mỗi điều luật và những băn khoăn, quan điểm của các tác giả đối với một số vấn đề còn chưa được sáng tỏ.

Chương cuối -  “Thực tiễn thực hiện, định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam: tác giả đánh giá cơ bản các Toà án đã thực hiện pháp luật về người đại diện của đương sự góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cuốn sách còn đưa ra một số hạn chế và vướng mắc thông qua các vụ việc cụ thể đã xảy ra trong thực tiễn. Từ đó, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành và bảo đảm thực hiện hiệu quả pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Cuốn sách “Người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” do TS. Bùi Thị Hà chủ biên thực sự là một cuốn sách tham khảo hữu ích cho những bạn đọc muốn tìm hiểu về pháp luật tố tụng dân sự nói chung và người đại diện của đương sự nói riêng tạo điều kiện cho các bạn đọc sẽ có những nghiên cứu sâu hơn trong pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!