Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa

    Tác giả: Trịnh Duy Luân, Nguyễn Xuân Mai

    Nhà xuất bản: Khoa học Xã hội

    Năm xuất bản: 2021

    Địa chỉ tài liệu: Phòng đọc 1 – Giá: Xã hội học

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang đến một hệ quả xã hội tích cực chính là sự xuất hiện các bộ phận mới trong cấu trúc xã hội, trong đó có tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu là tầng lớp “giữa” (nhóm nghèo và nhóm giàu), góp phần “trung hòa” sự phân cực xã hội. Có tầng lớp trung lưu tất yếu sẽ hình thành nhóm các gia đình trung lưu. Đã có nhiều nghiên cứu về gia đình trung lưu ở khía cạnh đời sống hôn nhân và gia đình Việt Nam, nhưng về vị trí, vai trò của gia đình trung lưu trong sự phát triển của gia đình và quá trình phát triển kinh tế -  xã hội – văn hóa chưa có nghiên cứu nào khai thác sâu về vấn đề này cho đến khi cuốn sách Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa” của các tác giả Trịnh Duy Luân, Nguyễn Xuân Mai được xuất bản.

Cuốn sách gồm 6 chương mang đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể và sâu sắc về những vấn đề sau:

Những vấn đề tổng quan về gia đình trung lưu: khái niệm, đặc điểm nhân khẩu và kinh tế xã hội, quan hệ gia đình. Với cách dẫn dắt truyền thống, đi từ khái quát đến chi tiết, các tác giả đã giải thích cặn kẽ khái niệm “tầng lớp trung lưu”, “gia đình trung lưu”. Thông qua khảo sát xã hội, tác giả đã làm rõ quy mô, đặc điểm nhân khẩu – xã hội, điều kiện sống, học vấn của con cái và đặc điểm về nguồn thu nhập, chi tiêu của gia đình trung lưu. Về quan hệ gia đình, các tác giả tập trung nghiên cứu hai mối quan hệ cơ bản là giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái. Từ nghiên cứu của các tác giả cho thấy, vấn đề bình đẳng giới trong quan hệ vợ - chồng ngày càng được đề cao; cha mẹ và con cái cùng quyết định hoặc con cái được tự quyết định những công việc có liên quan đến chúng.

Gia đình trung lưu với quá trình phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa của đất nước. Đóng góp ý nghĩa nhất của gia đình trung lưu trong quá trình phát triển kinh tế là cung ứng lao động trình độ cao với sự gia tăng thường xuyên cả về lượng và chất. Họ cũng là những đơn vị tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế bởi số lượng đông đảo và tiềm lực kinh tế. Chính vì thế, gia đình trung lưu là tiềm năng cho phát triển kinh tế quốc gia trong hiện tại và tương lai. Đối với sự phát triển của xã hội, tính tích cực của gia đình trung lưu thể hiện từ những hoạt động nhỏ bé hàng ngày như quan tâm, theo dõi tin tức thời sự, không bị lạc hậu, thờ ơ với thời cuộc. Họ tham gia nhiều tổ chức đoàn thể, các hoạt động từ thiện. Song điều đáng chú ý là gia đình trung lưu rất ít tham gia các hoạt động mang tính phản biện xã hội, nhận thức về quyền và trách nhiệm xã hội còn hạn chế. Trong quá trình phát triển văn hóa, gia đình trung lưu được kỳ vọng là lực lượng thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa của quốc gia. Nhưng trên thực tế, nhóm này thường ưu tiên các hoạt động bên trong gia đình (xây dựng gia đình hòa thuận, nề nếp) hơn là những hoạt động mang tính gắn kết với cộng đồng. Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa vị thế kinh tế - xã hội với vị thế văn hóa, giữa quan hệ bên trong và bên ngoài của các gia đình trung lưu.

Các gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay đã có những đóng góp nhất định vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa. Cùng với sự chuyển mình của đất nước, nhóm gia đình này đang trong giai đoạn hình thành và dần khẳng định vai trò, vị trí của mình. Với những thông tin từ thực tiễn khảo sát, nghiên cứu về gia đình trung lưu, sách sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách về phát triển xã hội, nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!