|
Tác giả: TS. LS. Ngô Văn Hiệp
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Tư Pháp
Năm xuất bản: 2023
Địa chỉ: Phòng đọc 02 – Giá sách 13
|
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ ra đời và được thương nhân chào bán tới người mua có nhu cầu giống nhau. Điều này dẫn đến việc lặp đi lặp lại các giao dịch cùng loại dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc cho mỗi lần giao dịch. Hợp đồng gia nhập hay hợp đồng theo mẫu được ví như giải pháp tối ưu không chỉ giúp thương nhân giải quyết vấn đề nêu trên mà còn làm tăng hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thương trường. Cuốn sách “Hợp đồng gia nhập – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của TS. Ngô Văn Hiệp giúp bạn đọc hiểu thêm về thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn thực hiện pháp luật về hợp đồng gia nhập.
Hợp đồng gia nhập bắt nguồn từ Luật Dân sự Pháp và được ứng dụng rộng rãi, có vai trò rất quan trọng đối với thương nhân, người mua hàng nói riêng và xã hội nói chung. Ở góc độ lý luận, trên thế giới tồn tại rất nhiều quan điểm liên quan đến loại hợp đồng này bởi sự đa dạng trong cách tiếp cận của từng học giả. Thông qua việc nghiên cứu tài liệu trong nước và thế giới, tác giả đã đưa ra định nghĩa, đặc điểm, cách phân loại hợp đồng gia nhập,... giúp người đọc hình dung được bức tranh toàn cảnh về hợp đồng gia nhập.
Theo tác giả, sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian gần đây cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới dẫn đến số lượng hợp đồng giao kết ngày càng nhiều, đặc biệt là kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP,... được ban hành. Dù tăng về số lượng hợp đồng song trên thực tế các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng gia nhập vẫn nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và những vấn đề chung nhất được quy định ở Bộ luật Dân sự 2015. Điều này ít nhiều gây khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật cũng như tạo cơ hội cho những rủi ro pháp lý không đáng có xảy ra. Sở dĩ tồn tại những bất cập như vậy là do hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn “chậm” so với sự phát triển của xã hội, kinh tế. Mặt khác, việc chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính cấp thiết của hợp đồng gia nhập dẫn đến công tác đầu tư, nghiên cứu, thi hành pháp luật về hợp đồng gia nhập vẫn còn một số hạn chế nhất định như: khái niệm hợp đồng này được định nghĩa trong hệ thống pháp luật chưa có tính khái quát cao, chưa phản ánh được đặc điểm cơ bản của hợp đồng gia nhập; các quy định pháp luật hợp đồng gia nhập chưa được pháp điển hoá cao…
Từ những hạn chế, bất cập trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị để góp phần hoàn thiện pháp luật về loại hợp đồng này. Ông chỉ rõ năm yêu cầu cần chú ý trong quá trình hoàn thiện pháp luật, qua đó vạch ra một số định hướng cơ bản như: cần xác lập, đảm bảo tính hệ thống, tính kế thừa của các quy định pháp luật hợp đồng gia nhập; nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của hợp đồng gia nhập trong hệ thống pháp luật về hợp đồng .... Đồng thời, tác giả đưa ra một số giải pháp đảm bảo thi hành pháp luật hợp đồng gia nhập: phát triển công nghệ thông tin để hỗ trợ việc đăng ký và công bố hợp đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ; đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật; đảm bảo để các tranh chấp về hợp đồng gia nhập được giải quyết nhanh chóng tại Toà giản lược theo thủ tục rút gọn. Mặc dù các văn bản pháp luật liên quan đã quy định những thủ tục riêng nhưng các quy định này mới dừng lại ở tính nguyên tắc mà thiếu các quy định cụ thể để có thể triển khai hiệu quả trên thực tế. Chính vì vậy, nên có sự nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các quy định dưới luật cũng như sự chỉ đạo sát sao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các tranh chấp về hợp đồng gia nhập mới có thể được giải quyết nhanh chóng tại Toà giản lược theo thủ tục rút gọn.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!